
Không chỉ nổi tiếng với những quy tắc giúp tổ ấm luôn gọn gàng, ngăn nắp. Người Nhật còn được thế giới biết tới và ngưỡng mộ bởi những phong cách thiết kế nội thất độc đáo của họ như Japandi, Wabi Sabi, Minimalism,… Ngoài việc lược bỏ những đồ dùng không cần thiết, người Nhật còn có cách dọn dẹp và lưu trữ đồ đạc rất khoa học, giúp cho không gian sống luôn gọn gàng và thoáng đãng.
Một tổ ấm ngăn nắp và sạch sẽ sẽ mang lại cảm giác yên tâm, thoải mái. Quy tắc “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp, chính điều đó sẽ giúp bạn trở thành một người làm việc năng suất hơn và hạnh phúc hơn rất nhiều. Hãy cùng V-Home tìm hiểu và cùng áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhé
SEIRI – Sàng lọc
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình sắp xếp không gian sống, cho dù đó là tủ quần áo, phòng bếp, phòng ngủ hay toàn bộ ngôi nhà. Đó là bước không thể bỏ qua nếu muốn có một không gian sống gọn gàng. Hãy lọc đồ thành ba loại: ‘cần thiết – không cần thiết – đồ lưu niệm’.
- Đồ cần thiết là những thứ đang hữu dụng mà bạn sử dụng hàng ngày.
- Đồ không cần thiết là những món đồ không còn giá trị với bạn, ví dụ chiếc áo quá rộng bạn đã không thể mặc vừa dù màu sắc còn mới, hay bộ chén bát bạn thấy không còn hợp với không gian bếp hiện tại…
- Đồ lưu niệm là những món đồ không còn được sử dụng nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, ví dụ ai đó tặng bạn chiếc túi thổ cẩm mà bạn rất quý nhưng không bao giờ đem ra sử dụng được do phong cách không phù hợp.

SEITON – Sắp xếp
Sau khâu sàng lọc, bạn đã có thể loại ra một số lượng lớn những thứ đồ không cần thiết và bỏ chúng theo các cách khác nhau. Với những thứ đồ cần thiết đã giữ lại, bạn phân loại theo chức năng, tần suất sử dụng và vị trí. Điều này sẽ giúp bạn sắp đặt đồ vào vị trí phù hợp trong tủ lưu trữ. Với đồ không cần thiết, bạn có thể phân loại làm đồ cho/tặng, đồ bán thanh lý, đồ bỏ thùng rác. Với những món đồ lưu niệm, bạn cho riêng vào một thùng, niêm phong lại, cất giữ một thời gian rồi mở ra xem. Nếu bạn thấy trong số đó, món đồ gì không thực sự nhiều giá trị kỷ niệm, bạn có thể bỏ.

SEISO – Làm sạch
Việc làm sạch bao gồm làm sạch không gian lưu trữ, đảm bảo không còn bụi bặm, gián, bọ… Lau chùi, khử khuẩn rất quan trọng nếu bạn muốn có một không gian sống an toàn, vệ sinh. Sau công đoạn làm sạch, bạn có thể sắp xếp đồ đạc của mình vào theo trật tự, đảm bảo không gian đó gọn gàng, ngăn nắp.

SEIKETSU – Săn sóc
‘Săn sóc’ là việc duy trì sự sạch sẽ, ngăn nắp đó bền lâu. Điều này bao gồm việc luôn giữ gọn gàng, để đồ đạc đúng nơi quy định, không bày bừa bãi, luôn giữ vệ sinh cho các phòng trong nhà. Ngoài ra, bạn không nên mua đồ đạc thiếu tính toán rồi lại tích trữ chúng đầy tủ.

SHITSUKE – Sẵn sàng
‘Sẵn sàng’ nhắc nhở bạn luôn thực hiện 4S trên một cách tự giác, không cần sự nhắc nhở. Bạn cần áp dụng lối sống ngăn nắp, sạch sẽ như một thói quen, một sự sẵn sàng, tự nguyện. Khi bạn ý thức được việc cần phải bảo vệ không gian sống, bạn sẽ có thể truyền cảm hứng cho những người thân trong gia đình đồng thời áp dụng điều này.